Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Cẩn thận khi dùng “Chè Nhật”, “Cỏ ngọt Sapa”

0

Cập nhật vào 29/10

Loại “cỏ Nhật” được bán ở Sapa như một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường, thanh nhiệt, mát gan…. thực ra chỉ là một loại cây người Trung Quốc dùng để trị nấm mốc trên tường. Chè Nhật theo tiếng Trung Quốc thì chúng có tên là Tử Dương. Kinh nghiệm dân gian cho thấy rằng hít phải khói khi đốt lá Tử Dương sẽ thấy ảo giác, cảm giác say như cây thuốc lá

Nếu lên Sapa, nhìn thấy các loại thảo dược có tên “Chè Nhật”, “Cỏ ngọt Sapa” và được nghe chào mời là “chữa bệnh tiểu đường, thanh nhiệt, mát gan…” thì bạn chớ mua. Các cơ quan chức năng đang cảnh báo chúng là độc dược.

Độc dược ở Sapa

Quà quý thành thuốc độc

Anh Đỗ Hà Minh, ở Dương Quảng Hàm, Gò Vấp, Tp.HCM hồ hởi kể, nhân chuyến đi du lịch Sapa tháng 6 vừa qua, anh được mời chào mua loại đặc sản Trà (Chè) Nhật rất tốt cho người cao tuổi, trị bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp. Thế là anh Minh mua biếu hai bên bố mẹ, mỗi bên một cân. Các cụ pha trà uống cũng tấm tắc khen ngon.

Nhưng anh Minh giật mình vì mấy hôm nay, nghe phong thanh thông tin rằng cây trà này không có tác dụng như quảng cáo mà còn là cây độc để trị nấm mốc. Anh chẳng biết báo cáo với các cụ thế nào: “Mình thật khó mở lời để nói với các cụ đừng uống nữa, sợ các cụ mắng, mà cũng uống sắp hết mất rồi, may mà chưa để ai bị làm sao cả. Chỉ cầu trời nó là không sao”. Không ít người còn cho biết, họ được bạn đi du lịch về cho, uống vào thấy ngọt ngọt, cũng ngon ngon, chả thấy có bất thường gì, nên làm sao mà biết được!.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) thì lãnh đạo địa phương đã ra lệnh cấm kinh doanh bán Trà Nhật bằng văn bản bởi chúng có độc tố có thể gây chết người. Cây trà này có danh pháp khoa học là Hydrangea macrophylla Seginge var thunbergii Makino (HMS), một loài cây thuộc họ tú cầu có ở nhiều nước Đông Á, đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm 1992, Viện Dược liệu Trung Ương cấp giống cho dân Sapa trồng để cung cấp lá cho đối tác Nhật Bản. Phía Nhật thu mua lá cây HMS khô nhằm mục đích để sản xuất loại thuốc lá không có nicotine chứ không hề sử dụng chúng trong mục đích làm thực dược phẩm.

Tham khảo thêm bài viết :

Trong khi chưa có báo cáo nào về công dụng với sức khỏe con người thì chúng đã được khẳng định có độc tố Hydragin-cyanogenic glycoside. Chất độc này có ở toàn thân cây và lá, người sử dụng liều lớn có tiêu chảy, hôn mê.

Theo Viện Dược liệu Trung Ương, chỉ số LD50 (medium letalisdosis – Thuật ngữ chỉ liều lượng chất độc gây chết cho một nửa cá thể sử dụng) của chè Nhật là 37,5g/kg. Trong khi đó tiêu chuẩn của WHO đưa ra là: Chỉ số LD50 qua đường miệng nhỏ hơn 50mg/kg là độc cấp 1 (rất độc) còn 500-5.000mg/kg là nhóm 3 (trung bình và ít độc). Như vậy, chỉ số LD50 của Trà Nhật được xếp vào nhóm 3, không phải mức báo động nguy hiểm (như phản ánh của một số báo chí gần đây) nhưng rõ ràng chúng là cây độc.

Độc dược ở Sapa

“Sản phẩm” không dùng cho người

Chè Nhật theo tiếng Trung Quốc thì chúng có tên là Tử Dương. Kinh nghiệm dân gian cho thấy rằng hít phải khói khi đốt lá Tử Dương sẽ thấy ảo giác, cảm giác say như cây thuốc lá (Có lẽ vì thế mà công ty của Nhật đã hợp đồng với Sapa trồng cây này để làm nguyên liệu công nghiệp thuốc lá). Người Trung Quốc dùng cây này chỉ để trị nấm mốc trên tường. Tác dụng chống nấm mốc của Tử Dương còn được các nhà khoa học Ấn Độ nghiên cứu nằm trong seri ý tưởng không dùng thuốc tổng hợp hóa học để tránh nhiễm độc.

Năm 2000, ba nhà khoa học là Anand Sagar, Madhavi và Bhawana, thuộc Phòng Khoa học Sinh học, Đại học Himachal Pradesh, Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu chiết xuất từ lá cây này để trị nấm mốc trong nông nghiệp. Kết quả là chúng ức chế sự phát triển tăng trưởng của nhiều loại nấm mốc như A.flavus, A.alternata, F.solani. Đến nay, trên thế giới chưa có tài liệu nào dùng chè Nhật cho chữa trị bệnh như giới thiệu của những người bán hàng ở SaPa.

Tránh chè Nhật, đừng sa vào cỏ ngọt

Độc dược ở Sapa

Khi vấn đề về Trà Ngọt chưa được giải quyết triệt để thì du khách lên Sapa lại được mời chào một sản phẩm mới “Cỏ ngọt Sa Pa” với công dụng tương tự như chè Nhật. Nhưng theo thông tin từ UBND huyện Sapa thì những loại lá cây đóng gói với tên “Cỏ ngọt Sapa” thực chất chính là những cây chè Nhật đã được người bán đổi tên đánh lừa du khách.

Sự thực người dân uống chè Nhật cũng thấy ngọt, nhưng chúng không phải vị ngọt của loại cỏ ngọt đang được sử dụng làm dược liệu. Cây cỏ ngọt có danh pháp khoa học là Stevia, có nguồn gốc từ châu Mỹ. Hiện nay chúng cũng được trồng nhiều ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc để bào chế làm chất ngọt trong công nghệ thực dược phẩm. Đặc điểm chính là lá cây có 6-7% hoạt chất Steviosid ngọt gấp 300 lần vị ngọt của đường cát (saccharoza); thân cây có khoảng 1,5% hoạt chất này.

Trong 100g Cỏ ngọt khô ước tính có lượng chất ngọt tương đương 400-450g đường kính. Chất ngọt này không nhiều năng lượng, không gây độc nên được sử dụng làm đường ăn kiêng dành cho người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường hoặc làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên cũng cần phân biệt, cây cỏ ngọt chỉ có tác dụng tạo ngọt thay đường dùng cho các bệnh nhân và người ăn kiêng chứ không phải chủ trị dùng để chữa bệnh tiểu đường.

Cỏ ngọt đã được du nhập về Việt Nam từ năm 1988 và được trồng nhiều ở Cao Bằng, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lâm Đồng… Nên nhiều người lo lắng sau sự việc xảy ra ở Sa Pa thì chè Nhật có được mang sang các địa phương khác dưới lốt “Cỏ ngọt” không?

Về hình dáng, cây trà Nhật và cỏ ngọt tương đối giống nhau, nhất là khi đã được phơi khô. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Hinh thì cây cỏ ngọt chưa được trồng phổ biến ở Sapa nên có thể khẳng định sản phẩm cỏ ngọt đang bán tràn lan nơi đây không phải cây Stevia. Ngoài ra, mua ở bất cứ đâu, để phân biệt, bạn nên nếm lá. Nếu là lá cỏ ngọt thì ngậm vào đã thấy rất ngọt, vị ngọt cam thảo, độ ngọt của chúng khác hẳn chè Nhật.

Như Bình

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.